Trường Chuyên và Bình đẳng xã hội

Giang Trung Pham

Trường Chuyên và Bình đẳng xã hội

Chuyện trường chuyên lớp chọn có cần thiết hay không ở Việt Nam luôn là một chủ đề được đem ra bàn luận mỗi năm. Với kinh nghiệm từng học trường chuyên và học qua các môi trường học tập khác, như trường Y Việt Nam, và trường Y ở Úc, tôi có thể nói trong bối cảnh giáo dục Việt Nam, nhà nước có thể dùng ngân sách để làm được nhiều việc cấp thiết hơn là đầu tư thêm vào cho các trường chuyên công lập.

Ngân sách và Mục tiêu Đào tạo của Trường Chuyên

Một ngôi trường công lập không đơn thuần có thể trả lương cho thầy cô, duy trì các hoạt động học thuật và ngoại khóa cho học sinh chỉ với các loại tiền phí dành cho phụ huynh mỗi năm. Trường Chuyên với đội ngũ thầy cô giáo chất lượng cao, và nhiều hơn các hoạt động giảng dạy, lại càng cần có ngân sách từ chính phủ. Vì vậy, câu hỏi trường chuyên lớp chọn có cần thiết hay không còn liên quan đến việc ngân sách có hay không, sự phân bổ ngân sách cho trường chuyên có hợp lý hay không, và mục tiêu đào tạo của Trường Chuyên là gì.

Ngân sách

Vì việc phân bổ ngân sách ở Việt Nam (VN) không có sự công bố rộng rãi cho công dân xem và tìm hiểu, tôi xin không lạm bàn trong bài viết này. Ở các nước phát triển, việc phân bổ ngân sách mỗi năm luôn được dân chúng quan tâm và theo dõi qua các kênh truyền thông. Ví dụ như ở Úc, giáo dục luôn là một phần đầu tư quan trọng, và ngân sách cho các nhóm trường luôn được công bố rộng rãi như trong link sau – Schools and students – Parliament of Australia (aph.gov.au). Các khoản ngân sách không chỉ dừng lại ở chi phí giảng dạy, mà còn hỗ trợ cả sức khỏe tâm lý của học sinh (được minh chứng trong hình chụp bên dưới từ trang web của chính phủ Úc). Do đó, dù muốn dù không, các hoạt động giảng dạy của Trường Chuyên vừa phụ thuộc vừa ảnh hưởng việc phân bổ ngân sách của nhà nước.

Hình chụp từ trang web chính phủ Úc

Mục tiêu đào tạo

Mục tiêu đào tạo của Trường Chuyên ở các nước nhìn chung là giúp cho học sinh phát triển khả năng học thuật, bao gồm các môn năng khiếu và kỹ năng nghiên cứu khoa học, để cống hiến cho xã hội trong tương lai. Tuy nhiên, sự khác biệt là không thể tránh khỏi giữa VN và các nước phát triển. Một trong những điểm khác biệt đáng chú ý đó là, ở VN, các Trường Chuyên không có mục tiêu tăng cường bình đẳng (equity) và sự đa dạng trong xã hội. Và điều đáng tiếc này là nguyên nhân vì sao tôi nói chính phủ có thể và nên thực hiện những công tác thay đổi khác hiệu quả hơn là đầu tư thêm vào trường chuyên.

Tuyển sinh – Trường Chuyên có đảm bảo bình đẳng xã hội

Như đã nhắc ở trên, với việc không có mục tiêu nâng cao bình đẳng và sự đa dạng trong xã hội, Trường Chuyên cũng như Trường Y Việt Nam trong quá trình tuyển sinh chỉ dự trên một tiêu chí duy nhất để xếp hạng các thí sinh – điểm thi đầu vào.

Điểm thi đầu vào có nên là tiêu chí duy nhất?

Nhiều người cho rằng điểm thi là tiêu chí công bằng nhất, năng lực thí sinh có thể được đánh giá tốt nhất qua điểm thi. Tuy nhiên, một con điểm từ một lần thi duy nhất trong suốt 9 năm học cho Trường Chuyên, hay 12 năm học cho Trường Y, không bao giờ được chứng minh là tiêu chí đánh giá tốt nhất và duy nhất cho năng lực của thí sinh và kết quả học thuật của thí sinh trong tương lai. Hơn nữa, những thí sinh có điều kiện gia đình tốt hơn hoàn toàn có nhiều khả năng hơn để đến với các lớp học thêm và các điểm luyện thi so với các thí sinh có điều kiện gia đình khó khăn hơn. Điều này đồng nghĩa với việc, các thí sinh xuất thân gia cảnh tốt sẽ dễ có được tấm vé vào Trường Chuyên hay Trường Y hơn các thí sinh xuất thân gia cảnh khó khăn hơn.

Tuyển sinh bình đẳng

Việc tuyển sinh để đảm bảo bình đẳng xã hội thật sự không dễ dàng. Trong bối cảnh VN, tuyển sinh vào đại học đã có việc cộng điểm cho thí sinh từ các tỉnh thành xa trung tâm. Tuy nhiên, bậc Trung học vẫn chưa có chuyện cộng điểm như vậy, và theo như tôi tìm hiểu, việc cộng điểm cho các thí sinh vẫn chưa được điều chỉnh dựa trên các kết quả khảo sát đầu vào và đầu ra của học sinh các trường.

Ở các nước phát triển, việc tuyển sinh vào Trường Chuyên cấp trung học hay Trường Y đều bao gồm vòng phỏng vấn, và sự minh bạch của quá trình tuyển sinh luôn được đảm bảo (đọc thêm về quá trình tuyển sinh của trường Y ở Úc tại đây). Với vòng phỏng vấn, thí sinh được thể hiện mình trước hội đồng giám khảo, được chia sẻ những kinh nghiệm học tập và đời sống của bản thân. Một thí sinh có nhiều kinh nghiệm đời sống luôn được đánh giá cao, đặc biệt là những kinh nghiệm thực tế mà thí sinh có thể vận dụng những kỹ năng của bản thân. Điều này, vì vậy, giúp cho các thí sinh có hoàn cảnh bất lợi thể hiện được kỹ năng học tập của mình bất chấp nghịch cảnh và giúp cho ban tuyển sinh nhìn được tiềm năng học tập thật sự của thí sinh.

Phương pháp giảng dạy của Trường Chuyên có thật sự khác biệt?

Nhìn lại quá trình học tập trong đội tuyển thi quốc gia của một trường chuyên tại VN cách đây hơn 10 năm với góc nhìn của một sinh viên Y ở Úc, tôi nghĩ mình đã có thể học tập một cách hiệu quả hơn vào thời điểm đó. Đối với các môn học bài, thật sự không có sự khác biệt giữa Trường Chuyên và các trường THPT khác trong việc giảng dạy và lượng giá. Tôi vẫn phải học thuộc lòng và trả bài những kiến thức thật sự chỉ vài năm sau đó đã không còn nằm trong trí óc tôi.

Đối với môn chuyên, theo cảm nhận của tôi, mục tiêu giảng dạy của Trường Chuyên VN không phải để kích thích sự ham thích tìm tòi, giúp học sinh phát triển kỹ năng nghiên cứu khoa học hay tự học, mà là để lấy giải trong các kỳ thi như kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia (QG), Học sinh giỏi Thành phố (TP) hay Olympic 30/4 (đã nêu trên nhiều báo như trong các hình bên dưới). Điều này mặc dù không phù hợp với mục tiêu của nhà nước đặt ra cho Trường Chuyên, nhưng lại phù hợp với cách khen thưởng và đánh giá chất lượng giảng dạy trong bối cảnh xã hội VN.

Hình chụp từ báo VNExpress đăng tháng 4/2022
Hình chụp từ báo Lao Động đăng tháng 3/2022

Điểm khác biệt trong giảng dạy tôi nhận thấy được của Trường Chuyên và các trường THPT khác có lẽ nằm ở việc tôi được giảng dạy các kiến thức chuyên sâu ở bậc Đại học trong các giờ học ngoài chương trình. Dù những kiến thức này giúp cho học sinh hiểu sâu hiểu kỹ môn chuyên của mình, nhưng chúng không làm cho các học sinh lớp chuyên, như nhiều bạn bè tôi, có thêm niềm ham thích khi học môn chuyên. Và, bản thân tôi, với đam mê dành cho nghiên cứu khoa học, cũng không thật sự được tham gia vào các nghiên cứu ở bậc học này dù được học ở Trường Chuyên hay trong đội tuyển.

Đối với các môn thi đại học, mục tiêu của Trường Chuyên là có càng nhiều học sinh vào Đại Học (ĐH) càng tốt. Học sinh, vì vậy, được giảng dạy kỹ lưỡng các môn có thi đại học với mục đích giảng dạy giúp cho học sinh đạt điểm càng cao càng tốt. Học sinh được thầy cô cho làm bài tập nhiều hơn, được thầy cô chấm bài kỹ hơn và giải thích cách chấm điểm khi thi ĐH cũng như được chỉ cách làm trắc nghiệm nhanh và hiệu quả hơn. Điều này, một lần nữa, cũng đồng nghĩa với việc Trường Chuyên giảng dạy để học sinh thi ĐH hơn là để giúp học sinh phát triển khả năng tự học, nghiên cứu khoa học, hay có niềm ham thích học hỏi như Trường Chuyên đã không làm được với các môn chuyên.

Thành tích của Trường Chuyên và nhu cầu thực tế của Xã hội

Liệu Trường Chuyên có thật sự vượt trội về giảng dạy và đang đáp ứng được nhu cầu thực tế của Xã hội? Câu hỏi này là câu hỏi thật sự quan trọng nhưng không thể dễ dàng trả lời. Thành tích của Trường Chuyên vẫn vô hình chung được đánh giá qua số lượng học sinh đậu ĐH, số lượng giải thưởng cấp TP, cấp QG hay số lượng học sinh điểm cao, thủ khoa, á khoa kỳ thi ĐH. Điều này cũng sẽ phù hợp nếu như đó là những tiêu chí thật sự thể hiện được chất lượng giảng dạy và khả năng đáp ứng mục tiêu đào tạo được đề ra cho Trường Chuyên, và theo tôi, những tiêu chí này là chưa hoàn toàn phù hợp.

Thứ nhất là vì, Trường Chuyên tuyển chọn những học sinh đã có khả năng học tập để sau 3 năm phổ thông với nỗ lực học tập của riêng mình, dù ở Trường Chuyên hay các trường THPT khác, đều có khả năng vào ĐH. Tỷ lệ học sinh vào ĐH vì vậy không đáng tin cậy để đánh giá khả năng tạo nên sự khác biệt của Trường Chuyên. Thứ hai, dù với nhiều giải cấp QG, cấp TP, nhưng số lượng học sinh tiếp tục theo đuổi nghiên cứu khoa học, tiếp tục nuôi dưỡng đam mê của mình với môn chuyên là rất ít ỏi. Ví dụ như lớp tôi, chỉ có duy nhất một người còn theo đuổi chuyên ngành liên quan sau khi tốt nghiệp.

Dĩ nhiên mỗi học sinh, mỗi gia đình, đều có nguyện vọng khác nhau và sẽ tìm cho mình một ngôi trường phù hợp. Nhiều phụ huynh muốn cho con mình được học tập trong môi trường gồm nhiều học sinh giỏi và ít tệ nạn học đường như Trường Chuyên. Hay như nhiều phụ huynh khác muốn con mình được học với những thầy cô giỏi để chắc chắn cho con mình một suất vào trường ĐH. Những nhu cầu như vậy luôn thỏa đáng, và làm cho áp lực vào được trường chuyên là khó tránh khỏi cho các học sinh. Tuy nhiên, ở góc độ đáp ứng cho nhu cầu xã hội là giúp cho học sinh có thể phát triển được khả năng học thuật và vào được cao đẳng hay ĐH thì mặc dù Trường Chuyên đang đáp ứng rất tốt, các trường THPT khác cũng đã và đang làm không tệ.

Kết

Với những điểm đã nêu, tôi tin là Trường Chuyên vẫn có chỗ đứng không thể thiếu trong bối cảnh giáo dục VN, nhưng tôi cũng tin rằng ngân sách thay vì được phân bổ thêm cho Trường Chuyên, nên được phân bổ cho các trường ở vùng sâu vùng xa để giúp cải thiện bình đẳng trong xã hội, giúp cho các học sinh vùng sâu vùng xa thêm cơ hội được học tập và thay đổi thoát nghèo. Tôi cũng tin rằng chính quyền nên có hỗ trợ học phí bậc ĐH cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, như là miễn giảm hay cho vay không lãi suất, để các sinh viên có thể theo học bậc ĐH. Ví dụ, với việc các trường Y công lập tăng học phí lên hơn 50 triệu một năm, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn không thể nào đáp ứng được dù đầy đủ năng lực học tập.

Hơn nữa, tôi thiết nghĩ mục tiêu đào tạo của Trường Chuyên cũng nên có thêm việc tăng cường bình đẳng xã hội, vì đó là trách nhiệm của một cơ sở giáo dục công lập nhằm đảm bảo một xã hội công bằng. Điều này đồng nghĩa với việc Trường Chuyên nên điều chỉnh phương thức tuyển sinh để giúp cho học sinh khó khăn có thêm nhiều cơ hội.

Cuối cùng là, bình đẳng xã hội là vấn đề ít được nhắc đến và đánh giá đúng mực. Trường Chuyên, Trường Y, các trường ĐH cũng như các trường THPT khác, cũng chỉ có thể thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình trong bối cảnh xã hội được quy định bởi rất nhiều yếu tố có sự quản lý của nhà nước, như ngân sách, cấu trúc lương thưởng, hay các quy định về bằng cấp. Trường Chuyên cũng không thể giúp học sinh thoát nghèo nếu bản thân giáo viên bậc trung học hay bác sĩ trong các bệnh viện công lập chỉ có thu nhập ngang bằng, hoặc chỉ nhỉnh hơn đôi chút, mức thu nhập của một công nhân trong nhà máy không cần bằng cấp ĐH như các báo đã đưa tin (như hình bên dưới).

Hình chụp từ báo Tuổi trẻ Online
error: Content is protected !!