Cây táo nở hoa, quyền tự chủ và y đức
Trong tập 43 của bộ phim “Cây táo nở hoa”, nhân vật Châu, bác sĩ (BS) duy nhất trong 5 anh em gia đình nhà họ Đỗ, đã vô tình phát hiện ra người chồng của mình, BS Phong, đã không cho mình biết về tình hình bệnh ung thư gan của ông Ngọc, người anh cả của cô. Châu vô cùng tức giận, nức nở nhìn Phong và hỏi “Em cũng là bác sĩ mà… tại sao không nói cho em biết?”.
Nhân vật Phong đã giải thích rằng ông Ngọc “năn nỉ” anh không nói với Châu. Nhưng nếu tôi là Phong, câu trả lời rất đơn giản là “quyền tự chủ và thông tin cá nhân của anh Ngọc cần phải được tôn trọng tuyệt đối”. Ông Ngọc không cần phải “năn nỉ”, à trước đó, Phong, với tư cách là một BS, không nên chất vấn ông Ngọc về quyết định của bản thân ông. Tình huống này thật ra không nên xảy ra, vì Châu, với tư cách là một BS, nên hiểu rõ những nguyên tắc y đức này và không nên chất vấn Phong.
Vậy quyền tự quyết định là gì?
Quyền tự chủ, hay autonomy trong tiếng Anh, là một yếu tố rất quan trọng trong Y đức. Tôn trọng quyền tự chủ của bệnh nhân (BN) là một trong 4 nguyên tắc cần được tôn trọng tuyệt đối. Cụ thể hơn, BS cần phải tôn trọng các quyết định của BN đối với cơ thể của chính họ cũng như các thông tin cá nhân của họ.
Điều này đồng nghĩa với việc BS cần phải có sự đồng thuận của BN khi BS thực hiện bất kỳ thủ thuật nào có tác động đến cơ thể bệnh nhân, ví dụ như tiêm thuốc, đo huyết áp hay thăm khám. Thông tin cá nhân của BN cũng cần phải được tôn trọng như vậy, và BS không được quyền tiết lộ thông tin BN cho bất kỳ ai khác khi chưa có sự đồng thuận từ BN. Tuy nhiên, BS có thể bỏ qua nguyên tắc này trong một số trường hợp nhất định.
Phong trong “Cây táo nở hoa” có xử lý đúng không?
Như đề cập ở trên, BS có thể không cần sự đồng thuận của BN trong một số trường hợp. Trường hợp đầu tiên là BS nhận định rằng BN đang có ý định hãm hại người khác hoặc chính bản thân mình. Khi đó, BS có quyền thông tin cho các cơ quan chức năng để hỗ trợ mà không cần sự đồng ý của BN. Với tình huống trong phim, quyết định không nói với các em mình của ông Ngọc không đồng nghĩa với việc tự sát, nên Phong trong tình huống này phải tôn trọng quyết định của Ngọc.
Trường hợp thứ hai là BN không đủ khả năng để đưa ra quyết định. Một số tình huống rõ ràng như BN rơi vào hôn mê và cần cấp cứu, BS có thể thực hiện các thủ thuật để cứu BN nếu BN trước đó không có yêu cầu từ chối sự hỗ trợ. Một số tình huống lại khá phức tạp vì BS cần phải đánh giá liệu BN có đủ khả năng để quyết định hay không như BN dưới tuổi trưởng thành, BN có bệnh lý tâm thần hay BN bị ảnh hưởng của người thân. Ông Ngọc là một người trưởng thành với khả năng nhận thức bình thường nên có thể nói ông Ngọc không rơi vào trường hợp này.
Tóm lại, ông Ngọc có đủ khả năng để đưa ra các quyết định liên quan đến thông tin cá nhân của mình. Châu, là một BS, nên hiểu rõ điều này, và dù có vô tình biết về tình trạng của Ngọc, cũng không nên hỏi Phong câu hỏi mà cô đã có câu trả lời.
Quyết định của ông Ngọc trong “Cây táo nở hoa” có cần được tôn trọng?
Là một người trưởng thành đủ khả năng nhận thức và đã trải qua một cuộc đời đầy những thăng trầm, ông Ngọc có lẽ là người hiểu rõ nhất ông muốn gì cho chính bản thân mình. Liệu Phong có đang thật sự giúp Ngọc khi ép ông nói ra với các em mình? Hay Phong hiểu ông Ngọc rõ hơn chính Ngọc? Liệu khi Ngọc nói ra, ông sẽ không bất hạnh hơn nữa?
Trong lịch sử y khoa, cách tiếp cận các tình huống tương tự được thực hiện với BS là trung tâm. BS đã được quyền quyết định cho bệnh nhân và được đặt ở vị trí của người hiểu biết nhiều hơn. Điều này đã dẫn đến nhiều trường hợp như là BS lạm dụng quyền lực để gây tổn hại đến BN, hay những quyết định của BS gây hại nhiều hơn là giúp cho cuộc sống của BN. Vì vậy, y khoa hiện đại lấy BN làm trung tâm và tôn trọng quyền tự chủ của BN tuyệt đối. Trong tình huống của ông Ngọc, ông là người chịu trách nhiệm cuối cùng cho cuộc đời mình. Ông Ngọc có thể sẽ chết, nhưng ông cũng có thể sẽ hạnh phúc hơn.
Cuộc sống trong đời thật không phải lúc nào cũng màu hồng. Anh em trong đời thật không phải lúc nào cũng đối tốt với nhau. Nếu Phong là một BS trong đời thật, anh nên cẩn trọng không làm hại đến cuộc sống của ông Ngọc và, vì vậy, phải tôn trọng quyết định của ông Ngọc một cách tuyệt đối.
Tóm lại
Quyền tự chủ và thông tin của cá nhân của BN rất cần được tôn trọng. Chỉ trong một số ít trường hợp được quy định bởi luật pháp, BS mới có thể bỏ qua điều này. Đa số các trường hợp bị tước bằng hành nghề Y khoa ở Úc không liên quan đến khả năng chuyên môn mà liên quan đến các vấn đề y đức. Vì vậy, trong quá trình tuyển chọn vào trường y ở các nước, các tình huống y đức luôn được dùng để đánh giá sinh viên. Tôi sẽ viết về những điều tôi học được qua các kỳ phỏng vấn tôi từng tham gia, nên hãy chờ đọc nhé!